Tổng lượt truy cập: 1999448
Số người đang online: 26
TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ

CÂU HỎI KIẾN NGHỊ:

Độc giả 17-04-2020

KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC: Hỏi về thời gian tính hưởng công nuôi dưỡng liệt sĩ?

NỘI DUNG KIẾN NGHỊ:

Bà Nguyễn Thị A làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Trong hồ sơ có ghi, “bà Nguyễn Thị A sinh năm 1941, là con đẻ của ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị L. Sau khi ông B mất, năm 1947 mẹ của bà tái giá. Bà trực tiếp chăm sóc em là liệt sĩ Nguyễn Thị M, sinh năm 1944”. Tôi xin hỏi, mẹ liệt sĩ tái giá khi bà A 6 tuổi, liệt sĩ mới 3 tuổi. Vậy, thời gian tính hưởng công nuôi dưỡng liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị A có được tính từ thời điểm này hay không?

FILE ĐÍNH KÈM


TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ: (Công an tỉnh Quảng Ngãi)

Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ thì người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên.

Việc nuôi dưỡng liệt sĩ ở đây được hiểu là liệt sĩ khi còn nhỏ đã không còn (không có) người nuôi dưỡng theo quy định pháp lệnh (không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng bản thân cha mẹ không có khả năng lao động và cũng không có khả năng về kinh tế để nuôi con hoặc vì lý do khác mà không thể sống cùng cha mẹ hoặc được cha mẹ cho đi làm con nuôi người khác…) và được người khác nuôi dưỡng, chăm sóc. Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ phải là người có khả năng tự lập về kinh tế để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình (nếu có), bảo đảm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành bằng tài sản, sức lực và tình cảm, coi liệt sĩ như con đẻ của mình, được gia đình, họ tộc liệt sĩ và UBND cấp xã xác nhận.

Đối với các anh, chị, em trong cùng một gia đình thì đều phải có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên cần lưu ý, chăm sóc khác với nuôi dưỡng. Anh (chị) cũng có trách nhiệm góp phần chăm sóc, đùm bọc em cùng khôn lớn trưởng thành nhưng không được coi là người nuôi dưỡng nếu bản thân anh (chị) khi đó vẫn là người sống phụ thuộc hoặc chưa độc lập được về kinh tế để tự nuôi sống bản thân và bảo đảm trách nhiệm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành.

Pháp luật về người có công với cách mạng không quy định độ tuổi của người nuôi dưỡng liệt sĩ, do đó cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần kiểm tra, xác minh, nếu bà Nguyễn Thị A thực sự độc lập được về kinh tế để tự nuôi sống bản thân và bảo đảm trách nhiệm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành thì xem xét, giải quyết chế độ người nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.