Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện lồng ghép các nội dung về công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC trong các buổi tuyên truyền miệng, huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH. Đơn vị đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về công tác PCCC và CNCH, để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân biết, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, duy trì các kênh Zalo, Fanpage tuyên truyền trên mạng xã hội về công tác PCCC và CNCH, qua đó kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ giải đáp, tháo gỡ.

Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở

Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đang triển khai thực hiện 100% TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến toàn trình, một phần trên Cổng dịch vụ Công Bộ Công an; phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc trả kết quả giải quyết TTHC đến cơ quan, doanh nghiệp và người dân qua đường bưu chính. Duy trì hoạt động tiếp nhận, xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của tổ chức và công dân. Đơn vị đã bố trí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết các TTHC về PCCC, vừa bảo đảm giải quyết hồ sơ theo đúng quy định, vừa kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Quán triệt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, đạo đức công vụ trong công tác phục vụ Nhân dân với quan điểm làm hết việc, không làm hết giờ, giải quyết các thủ tục đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, đúng hẹn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hồ sơ TTHC trong lĩnh vực PCCC

Đại diện doanh nghiệp trao đổi ý kiến về thực hiện TTHC huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở

Tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục duy trì việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực PCCC, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC, kịp thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời đăng tải thông tin, kết quả giải quyết TTHC, góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh hoàn thiện hệ thống mạng máy tính diện rộng ngành Công an, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công mức trực tuyến; triển khai chữ ký số, xác thực điện tử, bảo đảm các hệ thống bảo mật thông tin nghiệp vụ hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ chuyển đổi số. Đơn vị cũng đã triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thường xuyên cập nhật vào kho dữ liệu điện tử chuyên ngành của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đạt 93,1% (riêng từ ngày 28/2 đến nay đạt 100%), 100% hồ sơ tiếp nhận luôn được giải quyết trước và đúng hạn, không nhận được phản ánh, kiến nghị nào của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức về TTHC, không có hồ sơ trễ hạn. Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện giải quyết TTHC luôn chú trọng tác phong, đề cao tinh thần phục vụ Nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong công tác PCCC.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền cài đặt ứng dụng VNeID

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong cải cách hành chính, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử; mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp cơ quan hành chính nhà nước, người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC trên nhiều lĩnh vực một cách thuận tiện. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, cơ quan, doanh nghiệp sẽ giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ và có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ./.Tài Đức